Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn 2021-2025

Ngày 27/5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 83/ NQ/CP về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 54 –NQ TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chương trình đề ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo các tiêu chí đặc thù, trong đó trọng tâm là các tiêu chí về văn hóa đặc sắc và đô thị di sản. Hoàn thành việc mở rộng thành phố Huế theo quy hoạch trước năm 2022.

Tăng trưởng GRDP 7,5 - 8,5%/năm. Đến năm 2025, GRDP/người đạt 3.500 - 4.000 USD (theo cách tính hiện hành). Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 2-2,2%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 62-65%;...

Đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; là một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Nhiệm vụ, giải pháp

Để đạt được các chỉ tiêu cụ thể, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ giải pháp sau:

Quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện Nghị quyết.

Xây dựng đề án, cơ chế chính sách đặc thù; hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách.

Tăng cường thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng, tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm. Thực hiện tốt các giải pháp nhằm bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát triển mạnh các thành phần kinh tế để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là trong các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế.

Xây dựng Thừa Thiên - Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp và xã hội hóa các dịch vụ công.

Nâng cao hiệu quả liên kết phát triển vùng, tiểu vùng; phát triển trung tâm logistics; mở rộng hợp tác và quan hệ đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; củng cố vị thế là trung tâm văn hóa lớn và đặc sắc của cả nước. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Chương trình hành động này, như nhìn nhận của Phó Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế Phan Thiên Định, thể hiện vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế , đồng thời, xác định rõ vai trò, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ngành và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế , UBND các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung  tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện  các chủ trương, chính sách có tính đột phá nhằm thực hiện  NQ 54 của Bộ chính trị nhằm mở đường cho Thừa Thiên - Huế.